Ung thư Phụ khoa

BẠN SẼ LÀM GÌ NẾU CHÍNH BẠN HOẶC NGƯỜI THÂN CỦA BẠN BỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG?

Ngày đăng : 17-03-2025
22 lượt xem

1. Ung thư buồng trứng là gì?

Mỗi phụ nữ có 2 buồng trứng, nhỏ bằng hạt chôm chôm, nằm trong bụng, dưới rốn. Ung thư buồng trứng là khối u ác tính của buồng trứng.

1.1 Buồng trứng là gì?

Mỗi phụ nữ đều có hai buồng trứng nằm hai bên tử cung, ở vùng chậu. Buồng trứng có hình dạng và kích thước giống như hạt chôm chôm. Mỗi buồng trứng có chứa hàng triệu tế bào để tạo ra trứng. Đến ngày rụng trứng, thường là giữa kỳ kinh nguyệt, một trứng rụng sẽ rơi vào vòi trứng di chuyển đến 1/3 ngoài của vòi để sẵn sàng thụ thai ở đây. Sau khi thụ thai, phôi thai sẽ di chuyển vào buồng tử cung.

Cơ quan sinh sản nữ:

1.2 Ung thư là gì?

Cơ thể chúng ta bao gồm hàng tỉ tế bào. Các tế bào này có thể bị đột biến và biến thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư sinh sản nhanh hơn tế bào bình thường rất nhiều nên chúng gia tăng số lượng để hình thành các khối u. Các tế bào ung thư lại rất hay xâm nhập vào mạch máu rồi theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể và hình thành khối u thứ 2, 3... tại những cơ quan khác gọi là di căn.

1.3 Ung thư buồng trứng hình thành như thế nào?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bao bọc buồng trứng là một lớp tế bào biểu mô, nếu các tế bào này bị ung thư thì gọi là ung thư biểu mô buồng trứng. Loại ung thư này chiếm 90% các loại ung thư buồng trứng nên khi nói đến ung thư buồng trứng, người ta nghĩ đến ung thư biểu mô buồng trứng. Các loại ung thư buồng trứng khác hiếm gặp bao gồm ung thư tế bào mầm, ung thư mô đệm...

Ai dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng?

- Phụ nữ có mẹ, con gái, chị - em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng.

- Xét nghiệm có gen đột biến BRCA1 hoặc BRCA2.

- Được bác sĩ cho biết trong gia đình có gen di truyền ung thư đại trực tràng (còn gọi là hội chứng Lynch II).

- Đã từng bị bệnh lạc nội mạc tử cung.

- Có dùng thuốc nội tiết sau mãn kinh.

2. Khi có các biểu hiện nào chúng ta cần phải đi khám BS ngay?

Đau bụng vùng dưới rốn, đầy bụng, tiểu lắt nhắt, bụng to dần là những dấu hiệu nghi ngờ ung thư buồng trứng. Nếu có một trong các triệu chứng này, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Các triệu chứng này thường nhẹ và cũng có thể là triệu chứng của những bệnh khác nên thường làm cho bệnh nhân không chú ý và trì hoãn đến bệnh viện.

Diễn tiến của ung thư buồng trứng:

Khối u sẽ tăng dần kích thước và chèn ép các cơ quan khác trong vùng chậu như bàng quang, trực tràng.

Vì khối u nằm ở lớp vỏ ngoài của buồng trứng nên các tế bào ung thư trên bề mặt khối u sẽ tróc ra và gieo rắc khắp ổ bụng, kích thích màng bụng tiết dịch. Vì vậy, khi mổ bác sĩ có thể thấy rất nhiều khối u ở khắp bụng và có thể có vài lít dịch màu vàng hoặc hồng.

Tế bào ung thư từ khối u có thể xâm nhập vào mạch máu rồi theo dòng máu đi khắp cơ thể để tạo thành các khối di căn ở gan, phổi, não, xương...

Triệu chứng của ung thư buồng trứng:

▪ Khi khối u chỉ vài centimet, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì cả.

• Khi khối u lớn đáng kể có thể sẽ gây các triệu chứng ở vùng bụng: Chán ăn, đầy bụng, tiểu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy, đau vùng dưới rốn

• Cũng có khi bệnh nhân tự sờ thấy một khối u ở bụng.

• Bụng căng to như có thai: Các tế bào ung thư buồng trứng có thể rời khỏi buồng trứng để gieo rắc lên màng bụng rồi kích thích màng bụng tiết dịch. Dịch được tiết ra nhiều và nhanh cùng với nhiều khối u lớn trong bụng khiến bụng to lên giống như có thai.

• Ung thư buồng trứng cũng có thể di căn đến gan, phổi, xương và thể hiện triệu chứng ở những cơ quan này.

Điều không may là khi có triệu chứng thì bướu đã khá lớn và những triệu chứng của ung thư buồng trứng là triệu chứng của những cơ quan khác nên ung thư buồng trứng hiếm khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

 

 

Bài viết liên quan
XÁC ĐỊNH GIAI ĐOẠN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG NHƯ THẾ NÀO?
XÁC ĐỊNH GIAI ĐOẠN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Ung thư buồng trứng được chia làm 4 giai đoạn. Việc phân chia giai đoạn giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho từng giai đoạn và cũng để biết tiên lượng của bệnh nhân. Việc chẩn đoán giai đoạn sẽ dựa vào khám bệnh, các chẩn đoán hình ảnh (CT, siêu âm, MRI…) Giai đoạn được chẩn đoán chính xác sau khi mổ.